Video "Princess Mononoke" live-action gây tranh cãi trong cộng đồng fan Ghibli
Một nhà làm phim độc lập đã gây ra tranh cãi gay gắt khi phát hành đoạn giới thiệu phim chuyển thể live-action "Princess Mononoke" của mình.
Đoạn video được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tái tạo thế giới mang tính biểu tượng của Studio Ghibli. Người tạo ra đoạn video bày tỏ niềm tự hào về quá trình sản xuất, bất chấp những lời chỉ trích của cư dân mạng. Thông qua tài khoản Twitter của mình, người này viết: "Tôi đã mong muốn làm phiên bản live-action của Princess Mononoke trong hơn 20 năm qua. Tôi đã đầu tư 745 USD (hơn 18 triệu VNĐ) vào tín dụng của Kling (Kling AI là công cụ trí tuệ nhân tạo cho phép người dùng tạo ra các đoạn video từ văn bản hoặc biến ảnh tĩnh thành video) để cho bạn thấy cái nhìn thoáng qua về tương lai của điện ảnh."
Người tạo ra đoạn video trên cho biết dự án này là một giấc mơ cá nhân, lấy cảm hứng từ tác phẩm của Hayao Miyazaki. Mặc dù anh ta biết rằng nhà làm phim huyền thoại Nhật Bản nổi tiếng với lập trường chống AI, nhưng điều đó vẫn không ngăn cản anh ta tạo ra đoạn video bằng công nghệ AI.
Đoạn video "Princess Mononoke" live-action ngắn này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người dùng chỉ trích dự án thiếu tính độc đáo, chỉ ra rằng chỉ sao chép tác phẩm của Miyazaki không thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật thực sự.
Có người nhận xét: "Thật kinh khủng, thật đáng buồn vì đây là tương lai. Trông nó hoàn toàn thiếu sức sống."
"Video này không có sự sáng tạo, không có sự tôn trọng và không có khái niệm về nghệ thuật là gì.", một người khác nói thêm.
Những phản ứng kiểu này đã làm nổi bật cuộc tranh luận ngày càng tăng xung quanh việc sử dụng AI trong sáng tạo nội dung. Từng có người chỉ trích sự thiếu "linh hồn" trong nội dung do AI tạo ra, cho thấy rằng mặc dù công nghệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một số quy trình nhất định, nhưng dường như vẫn có thiếu sót trong việc sáng tạo nghệ thuật tự động.
Người tạo ra đoạn video trên đã nhanh chóng đáp lại những lời chỉ trích, nói rằng ý định của anh không phải là thay thế nghệ thuật truyền thống, mà là khám phá những cách có đạo đức trong việc sử dụng các công cụ AI để "trao quyền cho các nghệ sĩ tạo ra thế giới mới". Theo người này, bản chuyển thể này là một dự án cá nhân, chứ không phải là một nỗ lực nhằm định nghĩa lại nghệ thuật: "Tôi thực hiện bản chuyển thể này chủ yếu cho chính mình, bởi vì tác phẩm của Miyazaki truyền cảm hứng cho tôi tạo ra những thế giới mới."
Theo Phụ nữ số
Bình Luận