Các nước quản lý thời gian chơi game thế nào?
Tin tứcGame Online

Các nước quản lý thời gian chơi game thế nào?

Cuối tuần qua, Chính phủ ban hành Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng để thay thế cho Nghị định 72/2013 và 27/2018, trong đó bổ sung điện kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Theo quy định, người dưới 18 tuổi mỗi ngày được chơi không quá 60 phút đối với một game, và không quá 180 phút với tất cả trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.

Bên cạnh đó, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tuần suất 30 phút một lần trong suốt quá trình chơi.

Trước Việt Nam, một số quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã giới hạn giờ chơi với hầu hết độ tuổi.

1731549325-game-mb.jpg

Một người đang chơi game trên điện thoại. Ảnh: Tuấn Hưng

Trung Quốc mạnh tay cấm

Trong nhiều năm, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp kiểm soát thời gian chơi game trực tuyến nhằm chống lại vấn đề "nghiện Internet", đặc biệt ở trẻ em. Từ cuối 2005, nước này đã đưa ra hệ thống giới hạn giờ chơi game online và đến 2019 hạn chế trẻ vị thành niên chơi 90 phút mỗi ngày vào các ngày trong tuần và cấm chơi từ 22h đến 8h sáng hôm sau.

Năm 2021, Trung Quốc ban hành quy định khắc nghiệt hơn. Trong đó, trẻ vị thành niên chỉ được phép chơi trò chơi trực tuyến 60 phút mỗi ngày và chỉ vào ngày ba ngày cuối tuần và ngày lễ.

Trong 8 tháng sau khi ban hành quy định trên, Trung Quốc cũng không cấp phép thêm bất cứ trò chơi trực tuyến mới nào. Hầu hết công ty game đều đã triển khai chế độ "dành cho thanh thiếu niên", như cảnh báo thời gian chơi, hiển thị nội dung phù hợp với độ tuổi, yêu cầu đăng ký tài khoản bằng độ tuổi thật và xác định tuổi thông qua nhận diện khuôn mặt.

Theo AP, những hạn chế này đã phát huy tác dụng trong hơn hai năm qua, dù nhóm người dùng trẻ phản đối. Đầu 2023, Ủy ban về Ngành công nghiệp Game Trung Quốc cho biết vấn đề nghiện game ở trẻ vị thành niên "về cơ bản được giải quyết".

Trong khi đó, theo báo cáo từ tổ chức Game Industry Group, 75% trẻ vị thành niên ở Trung Quốc chơi thực hiện tốt việc chơi dưới ba giờ mỗi tuần và hầu hết phụ huynh hài lòng với những hạn chế mới. Nghiên cứu khác từ Niko Partners giữa năm 2023 cho thấy, số lượng game thủ trẻ ở Trung Quốc giảm từ 122 triệu vào năm 2020 xuống còn 82,6 triệu năm 2022.

Đến cuối năm ngoái, Trung Quốc nới rộng một phần quy định chơi game, khi phê duyệt 105 trò chơi mới. Tuy nhiên, nước này tiếp tục đưa ra các điều khoản bổ sung, chẳng hạn cấm trao phần thưởng cho người chơi khi đăng nhập hằng ngày, nạp tiền lần đầu hoặc chơi nhiều ngày liên tiếp.

Hàn Quốc chuyển từ cấm sang quản lý

Tháng 5/2011, Hàn Quốc thông qua Đạo luật Bảo vệ thanh thiếu niên sửa đổi, còn được gọi là Luật Tắt máy hoặc Luật Cinderella. Có hiệu lực vào tháng 11 cùng năm, luật cấm trẻ dưới 16 tuổi chơi game online từ 0h đến 6h sáng. Khi đó, luật chủ yếu áp dụng cho thiết bị là máy tính, do thiết bị di động chưa phổ biến.

Đến tháng 8/2021, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi và bãi bỏ Luật Tắt máy sau nhiều lần phụ huynh phàn nàn, thậm chí khởi kiện. Ngoài ra, việc phát triển của thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng khiến luật lỗi thời.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, Luật Tắt máy thiếu tôn trọng quyền trẻ em, do đó nên chấm dứt và khuyến khích giáo dục tại gia đình.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa sẽ "mở cửa" hoàn toàn cho người chơi game. Thay vào đó, họ sẽ được quản lý bởi hệ thống "giấy phép lựa chọn", tức cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ chọn giờ chơi của con và đăng ký, còn người chơi buộc phải theo các yêu cầu này. Theo Korea Times, cách làm mới vừa giúp quản lý được việc chơi game, vừa để người trẻ có thể giải trí, thậm chí phát triển khả năng ở lĩnh vực này.

Thái Lan chuẩn bị siết chặt

Từ 2023, Thái Lan bắt đầu ra quy định thời gian chơi game bằng "lệnh giới nghiêm" cho các máy chủ. Theo đó, máy chủ game từ 22h đến 6h hôm sau mỗi ngày sẽ dừng vận hành.

Thời gian qua, Thái Lan cũng nỗ lực tuyên truyền tác hại của việc chơi game quá lâu, xây dựng các trung tâm cai nghiện game với sự tham gia của bệnh viện, gia đình và chùa. Theo Bangkok Post, Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Kỹ thuật số Thái Lan (DEPA) dự kiến đệ trình Quốc hội luật mới về kiểm soát game năm 2025, gồm mọi khía cạnh của ngành công nghiệp trò chơi, từ game đến dịch vụ, nền tảng và thiết bị chơi game.

Các quốc gia khác

Theo Bloomberg, từ những năm 2010, các quốc gia phương Tây đã quản lý game dựa trên hệ thống phân loại độ tuổi chơi game và tùy theo nội dung trò chơi. Rất ít luật cấm hay hạn chế giờ chơi, nhưng hoạt động kinh doanh game được siết chặt nhằm cung cấp cho người chơi khả năng tự kiểm soát.

Nhật Bản cũng ủng hộ các biện pháp kiểm soát ở mức tự nguyện thay vì đưa ra quy định khắt khe. Nước này khuyến khích các công ty game cài sẵn thông điệp cảnh báo vào bên trong nội dung trò chơi. Những thông điệp này sẽ xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình chơi.

 

Theo VNExpress

Bình Luận

Tin liên quan