Top 10 công ty giá trị nhất thế giới
Công Nghệ

Top 10 công ty giá trị nhất thế giới

Sản phẩm của các hãng công nghệ đang được sử dụng trực tiếp mỗi ngày bởi hàng tỷ người dùng trên toàn cầu, chẳng hạn máy tính chạy hệ điều hành Windows của Microsoft, iPhone của Apple, mạng xã hội Facebook của Meta, smartphone Android của Google…

Đó chính là lý do các hãng công nghệ lớn đóng một vị thế và vai trò quan trọng trên toàn cầu. Giá cổ phiếu của các hãng công nghệ cũng ngày càng tăng cao khi lượng người dùng các sản phẩm, dịch vụ của những công ty này tăng mạnh.

Chẳng hạn với trường hợp của Microsoft. Các sản phẩm và dịch vụ của hãng phần mềm này trong thời gian gần đây đã được tích hợp các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp lượng người dùng tăng mạnh, chính điều này đã góp phần đẩy giá cổ phiếu của công ty lên cao trong năm 2024.

1715221802-ms-apple.jpg

Microsoft đã vượt mặt Apple để trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới (Getty)

Ở thời điểm bài viết được thực hiện, giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng lên mức 409,64 USD, giúp giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft lên mức 3,04 nghìn tỷ USD và đưa Microsoft trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2024, giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft cũng đã từng vượt qua mốc 3.000 tỷ USD, tuy nhiên, Microsoft đã không giữ được cột mốc này lâu.

Lần này, các nhà phân tích thị trường dự đoán giá cổ phiếu của Microsoft vẫn sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong thời gian dài sắp tới, giúp công ty có thể tiếp tục giữ vững cột mốc giá trị 3.000 tỷ USD, thậm chí còn tăng cao hơn.

Tính đến ngày 7/5, các hãng công nghệ vẫn chiếm ưu thế trong danh sách 10 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, với 7 cái tên. Trong đó, 5 vị trí dẫn đầu đều là các "ông lớn" công nghệ.

Ngoài Microsoft nắm giữ vị trí đầu tiên, Apple xếp ở vị trí thứ 2 với giá trị vốn hóa thị trường 2,78 nghìn tỷ USD. Nhiều khả năng, giá trị cổ phiếu của Apple sẽ tăng mạnh giúp vốn hóa thị trường của công ty vượt lên sau màn ra mắt loạt iPad mới tại sự kiện đặc biệt diễn ra vào tối 7/5.

"Cơn sốt" trí tuệ nhân tạo đã giúp đẩy mạnh giá trị cổ phiếu của Nvidia trong 2 năm gần đây, khi card đồ họa của công ty này được sử dụng rất nhiều trong những hệ thống máy tính để xử lý các tác vụ AI. Hiện Nvidia đã vươn lên đứng thứ 3 thế giới về giá trị vốn hóa thị trường, với 2,29 nghìn tỷ USD.

2 cái tên còn lại trong top 5 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay là Alphabet (công ty mẹ của Google, giá trị 2,07 nghìn tỷ USD) và hãng thương mại điện tử Amazon (giá trị 1,94 nghìn tỷ USD).

Meta, công ty mẹ của Facebook, đã từng có quyết định sai lầm khi đầu tư vào vũ trụ ảo metaverse khiến giá cổ phiếu bị sụt giảm mạnh trong các năm gần đây. Tuy nhiên, CEO Mark Zuckerberg đã nhận ra sai lầm của mình và quay trở lại đầu tư, phát triển các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram… đồng thời cho ra mắt mạng xã hội Thread hoàn toàn mới.

Những động thái "quay xe" kịp thời của Mark Zuckerberg đã giúp giá cổ phiếu của Meta tăng mạnh trong năm 2024, đưa công ty vượt lên vị trí thứ 7 toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường.

Những đại diện đến từ nước Mỹ cũng chiếm ưu thế hoàn toàn trong top 10 công ty giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, nắm giữ 8/10 vị trí. 2 cái tên còn lại trong top 10 đến từ Ả Rập Xê-út và Đài Loan.

1715221896-top-10-congty.jpg

Top 10 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay.

Đáng chú ý, những đại diện đến từ Trung Quốc đã vắng bóng hoàn toàn trong top 10 công ty giá trị nhất thế giới. Công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Trung Quốc là Tencent, với giá trị ước tính đạt 446 tỷ USD, xếp vị trí thứ 19 toàn cầu. Tiếp theo đó là công ty rượu Quý Châu Mao Đài với giá trị vốn hóa thị trường ước tính đạt 306,51 tỷ USD.

Hãng công nghệ Alibaba, cái tên đã từng nhiều năm góp mặt trong top 10 công ty giá trị nhất thế giới, đã bị tụt xuống vị trí thứ 57 toàn cầu, với giá trị vốn hóa thị trường ước tính đạt 198 tỷ USD.

Trên thực tế, có những công ty của Trung Quốc với quy mô hoạt động rất lớn, tuy nhiên, đây lại là những công ty tư nhân hoặc thuộc sở hữu của nhà nước, chẳng hạn Huawei, ByteDance, ChinaMobile hay Ngân hàng Công thương Trung Quốc… cho nên không thể định giá vốn hóa thị trường của những công ty này dựa vào giá trị cổ phiếu.

Có một nghịch lý ở các hãng công nghệ lớn, đó là bất chấp việc giá trị cổ phiếu liên tục tăng mạnh giúp các ông chủ và người đứng đầu kiếm được một số tiền khổng lồ, những công ty này lại liên tục có những đợt cắt giảm nhân sự số lượng lớn trong những năm gần đây để cắt giảm chi phí hoạt động và đối phó với khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu.

 

Bình Luận

Tin liên quan