
Thuế đối ứng của ông Trump bóp nghẹt thợ đào Bitcoin
Kristian Csepcsar, Giám đốc tiếp thị tại công ty cung cấp công nghệ khai thác BTC Braiins, nói với Cointelegraph, dù Mỹ là quê hương của những nhà khai thác Bitcoin (BTC) hàng đầu thế giới nhưng họ vẫn không thể làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng.
Mục tiêu "toàn bộ số Bitcoin còn lại sẽ được khai thác tại Mỹ" được ông Trump tuyên bố trước đó có thể bị phá sản bởi thuế đối ứng khi giá nhập khẩu máy móc chuyên dụng sẽ tăng đáng kể.
Lợi nhuận của thợ đào Bitcoin giảm mạnh
Theo Csepcsar, ngành khai thác đang trải qua thời kỳ khó khăn, chỉ số Hashprice - thước đo doanh thu hằng ngày của thợ đào trên mỗi đơn vị sức mạnh băm dành cho việc khai thác các khối Bitcoin - đã giảm kể từ năm 2022. Có lúc, chỉ số này xuống thấp nhất lịch sử khi chỉ đạt 50 USD.
Dữ liệu từ Bitbo cho thấy lợi nhuận khai thác Bitcoin vẫn dao động quanh mức thấp nhất mọi thời đại là 53 USD, tính đến cuối tháng 3.

Chỉ số Hashprice - dùng để tính toán lợi nhuận của thợ đào Bitcoin - trong vòng một tháng qua
"Hashprice là số liệu quan trọng được thợ đào theo dõi để tính toán lợi nhuận ròng. Cộng thêm áp lực từ thuế đối ứng, giá thiết bị khai thác sẽ tăng, lợi nhuận của thợ đào càng teo tóp, ngành khai thác Bitcoin Mỹ sẽ bị bóp nghẹt", Csepcsar nói.
Hiện tại, công ty sản xuất máy đào tiền mã hóa hàng đầu thế giới Bitmain có trụ sở tại Trung Quốc. Theo thuế đối ứng, ASIC (máy đào Bitcoin chuyên dụng) xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thêm 34% thuế, cộng thêm 20% thuế hiện tại.
Các nhà khai thác Bitcoin Mỹ có một lựa chọn nữa là nhập khẩu máy đào từ các nhà sản xuất ngoài Trung Quốc. Nhưng ngay cả những đối tác cung cấp đến từ Đài Loan, Hàn Quốc cũng phải chịu mức thuế mới lần lượt là 32% và 25%.
Mỹ có thể bị vượt mặt
Theo ước tính của Csepcsar, Mỹ sẽ phải mất thêm một thập niên để bắt kịp ngành sản xuất chip tiên tiến. Điều đó đồng nghĩa các công ty khai thác Bitcoin sẽ thua lỗ trong ngắn hạn.
Dữ liệu trên blockchain cho thấy các quốc gia lân cận như Nga, Kazakhstan đang tăng cường khai thác Bitcoin và có thể vượt Mỹ về chỉ số thống trị hashrate (tỷ lệ băm - đơn vị đại diện cho sức mạnh tính toán).
"Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, những khu vực có thuế quan thấp và điều kiện thuận lợi có thể chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ", Csepcsar nhận định.
Không chỉ ảnh hưởng đến thợ đào Mỹ, thuế quan mới của ông Trump có thể gây tổn thương đến hoạt động khai thác Bitcoin toàn cầu khi chuỗi cung ứng bị xáo trộn.
Trong những năm qua, quan điểm của ông Donald Trump về tiền mã hóa đã thay đổi nhiều lần. Khi còn giữ chức tổng thống năm 2021, ông từng cho rằng Bitcoin "có vẻ giống một trò lừa đảo". Trong chiến dịch tranh cử lần thứ hai, ông lại có nhiều tuyên bố cứng rắn ủng hộ ngành công nghiệp mới nổi này. Bộ máy lãnh đạo do ông bổ nhiệm cũng có nhiều người được cho là thân thiện hơn với tiền số.
Trong những ngày đầu nhậm chức, tổng thống Mỹ thậm chí gây tranh cãi khi thành lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược. Nhưng trái với kỳ vọng của cộng đồng, chính phủ không dùng tiền để mua thêm BTC mà chỉ dùng nguồn thu được từ các vụ án.
Bitcoin và thị trường tiền số cũng đã lao dốc mạnh sau khi ông Trump công bố áp thuế đối ứng lên toàn cầu. Những chính sách kinh tế của ông chủ Nhà Trắng đang khiến các nhà đầu tư tiền mã hóa hoang mang. Một số người cho rằng các quyết định của ông Trump sẽ giúp Bitcoin trở thành kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh. Trong khi số khác lo ngại ngành công nghiệp còn non trẻ như tiền mã hóa sẽ bị tổn thương đầu tiên khi lạm phát tăng, chiến tranh thương mại leo thang.
Bình Luận