Ông Jensen Huang từng từ chối vị trí lãnh đạo TSMC vào năm 2013
Jensen Huang và TSMC qua lời kể của Morris Chang
Theo Techspot, thế giới công nghệ đang trông đợi tập hai của cuốn tự truyện từ nhà sáng lập TSMC Morris Chang vào ngày 29.11. Cuốn sách này sẽ tiết lộ mối quan hệ đặc biệt giữa TSMC và Nvidia - hai công ty bán dẫn hàng đầu thế giới hiện nay, khi nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang từng là ứng viên được cân nhắc cho vị trí CEO TSMC vào năm 2013.
Vào thời điểm đó, TSMC đang trải qua giai đoạn chuyển giao lãnh đạo, và ông Chang, khi đó đã 82 tuổi, đang tìm kiếm người kế nhiệm vị trí CEO. Jensen Huang, đồng sáng lập và CEO của Nvidia, được đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của TSMC là chia sẻ vai trò lãnh đạo, giao cho Mark Liu và C.C. Wei cùng đảm nhiệm vị trí CEO, còn ông Chang chuyển sang giữ vai trò chủ tịch toàn thời gian.
Morris Chang (trái) và Jensen Huang - hai biểu tượng của ngành công nghiệp bán dẫn
Thông tin này được công bố qua một bài viết trên tạp chí Business Weekly của Đài Loan, do Wen-Yee Lee thực hiện. Cuốn sách mới sẽ là tập thứ hai trong bộ tự truyện của Morris Chang. Tập đầu tiên, xuất bản năm 1998, tập trung vào cuộc sống thời niên thiếu của Chang tại Trung Quốc và sự nghiệp của ông tại Texas Instruments trước năm 1964. Tập hai sẽ có độ dài gần gấp đôi, dự kiến sẽ mô tả chi tiết về sự thành lập TSMC vào năm 1987 và những năm tháng Chang điều hành công ty từ thập niên 1990 đến cuối 2010.
Ông Chang từng rời ghế CEO vào năm 2005, nhường vị trí này cho Rick Tsai (hiện là CEO của MediaTek) và đảm nhiệm vai trò chủ tịch TSMC. Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ông quay lại làm CEO vào năm 2009. Đến năm 2013, trước khi thiết lập hệ thống đồng CEO, ông đã đề nghị Jensen Huang - người khi đó đã xây dựng Nvidia trở thành một hãng sản xuất chip đồ họa hàng đầu - đảm nhận vị trí CEO, nhưng Huang từ chối lời mời.
Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết đoán, Jensen Huang đã dẫn dắt Nvidia trở thành công ty sản xuất card đồ họa hàng đầu
Thời điểm đó, Nvidia vừa ra mắt dòng card đồ họa GeForce GTX 700 series, sử dụng kiến trúc Kepler và cho ra mắt thiết bị chơi game cầm tay Nvidia Shield. Những sản phẩm này đã giúp Nvidia tạo nền tảng cho những công nghệ chip tiên tiến, góp phần vào sự thành công của các sản phẩm như Nintendo Switch. Gần đây, Nvidia còn mở rộng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và học máy, biến GPU của mình thành động lực chính cho làn sóng AI (trí tuệ nhân tạo) hiện tại, giúp giá trị công ty tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, TSMC cũng trở thành trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Với quy trình sản xuất chất lượng cao, TSMC hiện là nhà cung cấp chính cho các công ty công nghệ lớn như Apple, Intel, AMD và Nvidia. Vai trò quan trọng của TSMC không chỉ ở việc cung ứng sản phẩm, mà còn ở vị trí chiến lược, khiến công ty này trở thành tâm điểm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn.
Theo Thanh niên
Bình Luận