Mạo danh BHXH, dụ dỗ tăng lương hưu, yêu cầu cập nhật VssID4.0 giả
Tin tứcCông Nghệ

Mạo danh BHXH, dụ dỗ tăng lương hưu, yêu cầu cập nhật VssID4.0 giả

Theo Cục An toàn thông tin, mới đây Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhận được thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo cơ quan này với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 1/7/2024 gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email.

Nội dung văn bản ghi rõ: "Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VssID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp".

Văn bản giả mạo của BHXH Việt Nam lừa người dân cài đặt ứng dụng giả mạo VssID.

Văn bản giả mạo còn yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội. Người dân cần nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan BHXH tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân, để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của BHXH về sau.

Sau khi nhận được thông tin kể trên, BHXH Việt Nam khẳng định đây là văn bản giả mạo, không do đơn vị phát hành. Tội phạm mạng có thể lợi dụng, khiến người dân nhầm lẫn và cài đặt ứng dụng giả mạo của BHXH Việt Nam để đánh cắp thông tin cá nhân. Từ đó tiếp tục đánh cắp tài khoản, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.

Không chỉ riêng BHXH Việt Nam bị giả mạo, thời gian qua nhiều đơn vị, cơ quan chức năng trong nước cũng bị các đối tượng xấu giả danh, tìm cách lừa đảo người dân trên không gian mạng. Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần cần đặc biệt cẩn trọng, đồng thời nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo mới nhất để kịp thời phòng tránh cho bản thân và những người xung quanh.

“Nếu nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến BHXH, hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH qua số điện thoại và địa chỉ email chính thức để xác minh thông tin. Tránh ấn vào liên kết hoặc gọi theo số điện thoại được cung cấp trong các thông báo nghi ngờ. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng qua email, tin nhắn, hoặc điện thoại trừ khi bạn đã xác minh chắc chắn đó là nguồn tin đáng tin cậy”, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Cơ quan an ninh mạng cũng khuyến cáo BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân khẩn trương và kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin, hình thức giả mạo văn bản, để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng BHXH số VssID của BHXH Việt Nam.

 

Bình Luận

Tin liên quan