Lập trình viên Trung Quốc lo lắng trước tin Google đóng mã nguồn Android
Công NghệTin tức

Lập trình viên Trung Quốc lo lắng trước tin Google đóng mã nguồn Android

Tuần trước, Android Authority dẫn nguồn tin độc quyền cho biết Google sắp thực hiện các thay đổi lớn cho hệ điều hành Android sau 16 năm phát triển mã nguồn mở. Hệ điều hành của Google có thể chuyển sang mã nguồn đóng. Điều này ngay lập tức gây chấn động trong giới lập trình viên.

Android có thể không còn mở cửa miễn phí

Dự án nguồn mở Android (AOSP) là hệ điều hành do Google phát triển theo Giấy phép Apache License 2.0. Theo đó bất kỳ ai dùng, phân phối hoặc sửa đổi hệ điều hành dựa trên AOSP sẽ không cần trả bất kỳ khoản phí cấp phép nào.

Cấu trúc này đã tạo điều kiện cho việc áp dụng rộng rãi AOSP, tạo ra các nhánh tùy chỉnh như One UI của Samsung.

Lập trình viên Trung Quốc đứng ngồi không yên trước tin Google đóng kín mã nguồn Android - Ảnh 1.

Biểu tượng hệ điều hành Android trước trụ sở Google

Để cân bằng bản chất mở của AOSP với chiến lược phát triển sản phẩm, Google duy trì hai nhánh Android chính: AOSP công khai và nhánh phát triển nội bộ. AOSP cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy cập trong khi nhánh nội bộ giới hạn bởi những công ty có thỏa thuận cấp phép Google Mobile Services (GMS).

Vì Google phát triển phần lớn tính năng Android trong nhánh nội bộ, AOSP công khai thường chậm hơn nhiều. Tuy nhiên việc duy trì cả hai khiến Google tốn khá nhiều nguồn lực và xung đột khiến hãng khổng lồ Mỹ muốn chuyển toàn bộ hoạt động sang phát triển nội bộ. Điều này đồng nghĩa hệ điều hành Android sẽ không còn mở cửa miễn phí cho tất cả.

Android Authority cho biết Google xác nhận quá trình phát triển hệ điều hành Android sẽ sớm diễn ra hoàn toàn riêng tư.

Lập trình viên Trung Quốc bất an

Với người dùng phổ thông, thay đổi này của Google không mang đến nhiều tác động lớn. Tuy nhiên với các nhà phát triển ứng dụng, đây có thể là "sét đánh ngang tai". Việc Android chuyển từ mã nguồn mở sang đóng đồng nghĩa họ sẽ ít có khả năng tiếp cận những cập nhật của hệ điều hành, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng các ứng dụng.

Tuy nhiên Google vẫn không đóng hoàn toàn Android. Các đối tác GMS vẫn được quyền truy cập, nghiên cứu và đóng góp cho hệ điều hành này. Tuy nhiên, với các lập trình viên Trung Quốc, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Theo SCMP, thông tin trên đã gây bất bình cho cộng đồng nhà phát triển tại Trung Quốc, nơi Android được dùng cho hầu hết smartphone thông minh, trừ Huawei và Apple. Các nhà phát triển lo ngại sự thay đổi có thể làm tăng chi phí và gây khó cho việc phát triển ứng dụng.

Huawei được hưởng lợi

Nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc, việc Google "đóng cửa Android" sẽ ngày càng khoét thêm những chia rẽ sâu sắc. Một số nhà quan sát cho rằng động thái của Google có thể gián tiếp giúp Huawei được hưởng lợi.

Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận, Huawei đã tự phát triển HarmonyOS, không còn phụ thuộc Android. Họ cũng đã thành công trong việc thu hút nhiều nhà phát triển Trung Quốc khi hệ điều hành Harmony ngày càng phong phú ứng dụng.

Một nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc đã nói với SCMP rằng công ty của anh đã chuyển sang phát triển ứng dụng của Huawei. Quyết định của Google có thể giúp HarmonyOS trở nên phổ biến hơn.

Từ khi Apple ra mắt iPhone vào năm 2007 với hệ điều hành iOS, Google đã dành nhiều thời gian, công sức để phát triển mã nguồn mở. Đây là một trong những khác biệt quan trọng khiến Android trở thành hệ điều hành di động được sử dụng nhiều nhất thế giới. Android hiện hỗ trợ hơn 2,5 tỉ thiết bị đang hoạt động, từ smartphone đến tablet, smartTV. Theo công ty phân tích StatCounter, Android đang chiếm hơn 71% thị phần hệ điều hành toàn cầu.

Bình Luận

Tin liên quan