
Dùng thử Samsung 9100 Pro - SSD Gen 5 nhanh top đầu thị trường: Gấp đôi Gen 4 về tốc độ, có xứng đáng nâng cấp?
Trong bối cảnh các tựa game AAA nặng hàng trăm GB, phần mềm dựng phim 8K và mô hình AI chạy cục bộ ngày càng phổ biến, SSD chuẩn M.2 PCIe luôn là thành phần quan trọng bậc nhất của mọi hệ thống hiệu năng cao. Nhưng trong bối cảnh SSD PCIe Gen 4 vẫn đáp ứng tốt đa số nhu cầu, câu hỏi đặt ra là: liệu Gen 5 với tốc độ gấp đôi và giá cao hơn đáng kể có thật sự đáng nâng cấp?
Theo đó, Samsung 9100 Pro chính là một trong những đại diện nổi bật nhất cho thế hệ SSD Gen 5 hiện nay. Với tốc độ đọc tiệm cận 15.000 MB/s, đây cũng là một trong những ổ SSD tiêu dùng nhanh nhất thị trường, đồng thời là sản phẩm đầu tiên đánh dấu sự tham gia của Samsung vào sân chơi Gen 5 - nơi tốc độ và băng thông được đẩy lên tầm cao mới. Quan trọng hơn, nó đến từ Samsung - thương hiệu vốn nổi tiếng về độ ổn định, hiệu năng dẫn đầu và chính sách bảo hành dài hạn.
Bài viết này sẽ đánh giá hiệu năng thực tế của Samsung 9100 Pro (bản 1TB), đồng thời so sánh trực tiếp với một cái tên quen thuộc ở Gen 4 - Samsung 990 Pro - để làm rõ: ai thực sự cần đến sức mạnh của 9100 Pro, và ai thì không.

Samsung 9100 Pro được mệnh danh là 1 trong số những SSD Gen 5 có tốc độ đọc ghi tuần tự nhanh nhất thị trường hiện nay. Ảnh: Camera Jabber
Trải nghiệm thực tế: Nơi 9100 Pro thể hiện rõ "đẳng cấp phân khúc"
Về thông số, Samsung 9100 Pro sử dụng giao tiếp PCIe 5.0 x4 theo chuẩn NVMe 2.0, kết hợp controller Presto do hãng tự phát triển trên tiến trình 5nm. Ổ trang bị V-NAND TLC thế hệ 8, cùng 1GB DRAM LPDDR4 (trên bản 1TB) và cache SLC động khoảng 120GB, giúp tối ưu hiệu năng ghi trong các tác vụ dung lượng lớn.
Còn với độ bền, 9100 Pro 1TB có chỉ số TBW đạt 600TB, thời gian hoạt động trung bình (MTBF) 1.5 triệu giờ. Sản phẩm có hai phiên bản: bản chuẩn không tản nhiệt, và bản tích hợp sẵn heatsink nhôm nguyên khối dành cho các hệ thống giới hạn không gian hoặc airflow kém.
Về hiệu năng, Samsung công bố tốc độ đọc/ghi tuần tự của 9100 Pro đạt ~14.800 MB/s và ~13.400 MB/s. Trong thử nghiệm thực tế ở chế độ test mặc định với phần mềm Samsung Magician, kết quả đọc/ghi tuần tự là ~14.192 MB/s và ~9841 MB/s. Còn với phần mềm CrystalMask, con số này là ~14.774 MB/s và ~13.491 MB/s.

Nhìn chung, kết quả các bài test cho thấy con số tiệm cận ngưỡng lý thuyết do Samsung đưa ra. Đương nhiên, nó cũng bỏ xa các mẫu SSD ở Gen 4. Thực tế, so với người tiền nhiệm ở Gen 4 là Samsung 990 Pro bản 1TB (7.400 MB/s đọc, 6.800 MB/s ghi, thử nghiệm trên cùng 1 cấu hình), 9100 Pro đạt hiệu năng gần gấp đôi - nhanh hơn khoảng 92% ở đọc và 63% ở ghi. Tuy nhiên, trong các tác vụ truy xuất ngẫu nhiên ở queue depth thấp (4K Q1T1), mức chênh lệch chỉ vào khoảng 10-12%. Điều này cho thấy Gen 5 mang lại băng thông vượt trội, nhưng hiệu năng ngẫu nhiên vẫn tương đối tương đương giữa hai thế hệ.

Mặc dù vậy, trong bài test khả năng dựng video bằng Premiere Pro, sự khác biệt giữa Gen 4 và Gen 5 khá rõ: Thời gian xuất một project 4K dài 10 phút của 9100 Pro giảm gần 30 giây so với 990 Pro.
Trong các bài test yêu cầu xử lý dữ liệu lớn một cách liên tục, 9100 Pro tiếp tục để lại nhiều ấn tượng. Ở bài test sao chép thư mục 220GB gồm video 4K và ảnh RAW, tốc độ ghi duy trì trên 10 GB/s trong 120GB đầu tiên nhờ bộ đệm SLC lớn. Tuy nhiên sau đó, tốc độ ghi giảm còn ~1.3 GB/s. Điều này phản ánh giới hạn cache của bản 1TB. Với những ai thường xuyên làm việc với file vài trăm GB, bản 2TB của 9100 Pro sẽ hợp lý hơn.
Trong bài test với phần mềm PCMark 10 Storage Full System Drive Benchmark - mô phỏng chuỗi tác vụ thực tế như mở ứng dụng, tải file lớn, chỉnh sửa ảnh/video - 9100 Pro đạt trung bình 5.750 điểm, cao hơn 990 Pro (~5.000 điểm). Điều này cho thấy 9100 Pro không chỉ nhanh ở benchmark, mà còn giữ hiệu năng ổn định xuyên suốt các tác vụ hỗn hợp.
Gaming: Không có quá nhiều khác biệt
Dù đạt tốc độ đọc gần 15GB/s - gấp đôi SSD Gen 4 - Samsung 9100 Pro không tạo khác biệt rõ rệt khi chơi game. Thử nghiệm với các tựa game nặng như Cyberpunk 2077, Modern Warfare II và Hogwarts Legacy cho thấy thời gian tải màn chơi chỉ nhanh hơn 0,3-0,5 giây so với 990 Pro. Ví dụ, trong Cyberpunk 2077, 9100 Pro mất 14,3 giây để load save, còn 990 Pro mất 14,8 giây. Với Modern Warfare II và Hogwarts Legacy, chênh lệch cũng chưa đến nửa giây.

Mức khác biệt này tuy đo được bằng công cụ chính xác, nhưng gần như không thể cảm nhận trong điều kiện sử dụng thự tế. Lý do không nằm ở hiệu năng của SSD, mà do engine của đa số game AAA hiện tại chưa khai thác hết băng thông PCIe 5.0. Phần lớn trò chơi vẫn sử dụng pipeline tải dữ liệu tuyến tính, vốn đã tối ưu cho nền tảng PCIe Gen 4. Ngoài ra, việc giải nén tài nguyên vẫn phụ thuộc vào hiệu năng CPU, khiến SSD không còn là điểm nghẽn chính.
Dù DirectStorage từ Microsoft hứa hẹn cải thiện vấn đề này, hiện mới chỉ có vài game hỗ trợ một phần (như Forspoken - NV). Vì vậy, việc nâng cấp lên SSD Gen 5 chỉ để chơi game là chưa cần thiết. Với người dùng phổ thông, hay cả game thủ chơi game AAA, một SSD Gen 4 cao cấp như Samsung 990 Pro vẫn đáp ứng đầy đủ.
Nhiệt độ và tiêu thụ điện năng: không quá nóng, nhưng cần tản đúng cách
Samsung 9100 Pro bản 1TB thử nghiệm trong bài viết không đi kèm tản nhiệt sẵn, nhưng tương thích tốt với các heatsink M.2 trên mainboard. Trong thử nghiệm với heatsink mặc định của mainboard ASUS TUF B650M-PLUS, ổ duy trì 50-52°C ở chế độ nghỉ (idle) theo dữ liệu được theo dõi bởi HWINFO với nhiệt độ phòng là 18 độ C. Khi ghi tải liên tục 15 phút, nhiệt độ tăng dần, chạm 86°C trước khi giảm nhẹ do cơ chế tự hạ xung (thermal throttle). Nếu không có tản phù hợp, ổ có thể giảm tốc ghi xuống dưới 1 GB/s chỉ sau 10 phút - ảnh hưởng đến các tác vụ ghi kéo dài như dựng video hay sao lưu.
So với 990 Pro bản 1TB (tối đa 68-70°C), 9100 Pro nóng hơn vài độ, phản ánh đặc trưng của SSD PCIe 5.0 với công suất cao. Dù vậy, so với các đối thủ dùng controller Phison E26, vốn dễ vượt 80°C nếu không có tản lớn, thì 9100 Pro kiểm soát nhiệt tốt hơn rõ rệt.

Lý do nằm ở controller “Presto” do Samsung tự phát triển, vốn giúp giảm điện năng tiêu thụ mà vẫn giữ hiệu năng cao. Trong test thực tế, ổ tiêu thụ khoảng 8–8,3W khi tải nặng, thấp hơn mức 10-11W của các SSD Gen 5 dùng controller Phison. Khi không hoạt động và hệ thống bật ASPM (Active State Power Management), mức tiêu thụ giảm còn dưới 0,3W.
Tổng thể, 9100 Pro không “mát”, nhưng cũng không quá nóng để lo ngại. Với hệ thống có airflow ổn và heatsink tiêu chuẩn, người dùng có thể tận dụng hết hiệu năng. Tuy nhiên, nếu dùng trong case nhỏ, bí khí, các mẫu ổ SSD có heatsink tích hợp (nếu có) vẫn là lựa chọn an toàn hơn.
Tổng kết: Nhanh nhất thị trường, nhưng không dành cho số đông
Nhìn chung, nếu bạn là người dùng chuyên sâu, tức hay làm việc với video 4K, ảnh RAW, thư viện asset hàng trăm GB, xử lý dữ liệu nặng mỗi ngày, thì Samsung 9100 Pro là lựa chọn tối ưu. Đây là chiếc SSD nhanh hàng đầu thị trường ở thời điểm hiện tại, và nó có đủ nội lực để giữ hiệu năng cao trong những workload khắt khe nhất.
Còn nếu bạn chỉ cần một chiếc SSD ổn định, bền bỉ, có tốc độ tốt cho mọi tác vụ phổ thông - từ chơi game, lướt web, đến chỉnh sửa ảnh cơ bản - thì các mẫu SSD khác của Samsung đã là quá đủ. Băng thông PCIe 5.0 có thể rất hấp dẫn, nhưng sẽ là dư thừa nếu bạn không thật sự cần đến nó.
Bình Luận