3 “pháp sư” Ấn Độ hô biến AirPods làm máy trợ thính cho người thân
Khi Apple phát hành bản cập nhật phần mềm vào đầu tháng 11 để bổ sung tính năng trợ thính cho AirPods Pro 2, Rithwik Jayasimha đã nhanh chóng cùng bố đi mua một cặp tai nghe để tặng bà mình. Tuy nhiên, khi thử sử dụng, anh phát hiện tính năng này không hoạt động. Lý do là Ấn Độ, nơi gia đình anh sinh sống, không nằm trong danh sách các quốc gia được Apple hỗ trợ. “Điều này thật thất vọng,” Jayasimha chia sẻ.
Apple thường áp dụng giới hạn khu vực cho một số tính năng nhằm tuân thủ các quy định y tế và pháp lý của từng quốc gia. Đối với tính năng trợ thính, AirPods được xem như một thiết bị y tế và phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và quy trình phê duyệt khác nhau tại mỗi quốc gia.
Không bỏ cuộc, Jayasimha cùng hai người bạn, Arnav Bansal và Rithvik Vibhu, đã “hack” AirPods để vượt qua hạn chế khu vực của Apple, kích hoạt thành công tính năng trợ thính ngay tại Bengaluru. Cả ba đều có người thân sử dụng máy trợ thính và họ mong muốn mang lại một giải pháp tiện lợi, hiệu quả hơn cho gia đình mình.
Để vượt qua hạn chế khu vực của Apple, nhóm đã tìm hiểu cách iOS xác định vị trí thiết bị, bao gồm các yếu tố như múi giờ, khu vực và mạng Wi-Fi. Qua quá trình thử nghiệm, họ phát hiện rằng hệ thống còn sử dụng các tín hiệu như GPS, SSID Wi-Fi và địa chỉ MAC của các thiết bị lân cận để định vị chính xác địa điểm.
Sau đó, nhóm đã chế tạo một lồng Faraday bằng giấy bạc kết hợp với lò vi sóng nhằm chặn toàn bộ tín hiệu từ môi trường xung quanh. Họ đặt một chiếc iPad chỉ hỗ trợ Wi-Fi vào lồng, cách ly hoàn toàn khỏi các thiết bị khác, và thành công đánh lừa hệ thống định vị của iOS, khiến thiết bị tưởng rằng nó đang ở California, Mỹ. Nhờ đó, AirPods của họ đã có thể hoạt động như một thiết bị trợ thính ngay tại Ấn Độ.
Sau khi vượt qua được hạn chế khu vực, Bansal chia sẻ “Trước đây, bà tôi phải sử dụng máy trợ thính cồng kềnh với các nút bấm nhỏ, rất khó dùng. Giờ đây, bà có thể sử dụng AirPods để xem TV một cách thoải mái và không còn cảm giác mình là một bệnh nhân”.
Jayasimha cho biết họ đã nhận được nhiều lời yêu cầu hỗ trợ từ những người tại Ấn Độ có nhu cầu tương tự. Trong khi chờ đợi Apple mở rộng tính năng này đến Ấn Độ, nhóm dự định tiếp tục giúp đỡ mọi người bằng cách sử dụng phiên bản cải tiến của lồng Faraday mà họ chế tạo.
Apple hiện cung cấp tính năng trợ thính trên AirPods Pro 2 tại hơn 100 quốc gia, nhưng vẫn còn hạn chế ở một số nơi như Ấn Độ cũng như Việt Nam do các quy định về thiết bị y tế. Nhóm nghiên cứu hy vọng giải pháp “lách luật” này chỉ là biện pháp tạm thời, giúp những người có nhu cầu tiếp cận công nghệ này trong lúc chờ được hỗ trợ chính thức.
Bình Luận